News
Vì sao logistics Việt Nam thua trên sân nhà?

Vì sao logistics Việt Nam thua trên sân nhà?

(TBKTSG Online) - Việt Nam có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ (logistics) nhưng chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu dịch vụ trong lĩnh vực này vì đa số doanh nghiệp ít vốn, nhỏ - theo một báo cáo của Bộ Giao thông vận tải vừa công bố. Đó là một trong các lý do chính khiến doanh nghiệp ngành này thua trên sân nhà.

Do vốn ít nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp đơn giản, không chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài… nên các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu.

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng phát triển kinh doanh Công ty New Island Việt Nam (vận tải biển), các doanh nghiệp logistics Việt Nam "không lớn" được là do phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB, FCA, tức quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định. “Và dĩ nhiên người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ nên các công ty logistics của Việt Nam phải đứng ngoài cuộc”, ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng, bất cập này không phải dễ dàng giải quyết vì phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các công ty logistics toàn cầu. Đơn cử như hãng giày Nike, công ty có rất nhiều hợp đồng làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng riêng về khâu vận tải và logistics thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể tham gia vào trong quá trình thương thảo.

Đối với các nhà nhập khẩu của Việt Nam thì sao? Do Việt Nam nhập siêu nên đây là thị trường hấp dẫn cho các công ty logistics của Việt Nam. Vì hiện nay các nhà nhập khẩu của Việt Nam chuyển mua hàng theo điều kiện CIF ( tức giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) sang hình thức mua FOB (giao tại tàu, người bán trả cước phí xếp hàng lên tàu). Tuy nhiên, phần lớn thị trường này vẫn nằm trong tay các hãng logisitics nước ngoài do có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam mà họ cũng chính là người nhập khẩu hàng nhiều nhất.

Đó là chưa kể phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa ý thức được việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Hầu hết các doanh nghiệp không có phòng quản lý logistics hoặc chuỗi cung ứng mà phòng này thường được hiểu là phòng kinh doanh xuất nhập khẩu. Điều này tạo ra rào cản đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong việc chào các dịch vụ logistics giá trị gia tăng.

Và, 80% doanh nghiệp logistics Việt Nam có tổng vốn pháp định ít hơn 1,5 tỉ đồng nhưng việc kết hợp, liên kết với nhau (rất quan trọng, nhất là đối với các doanh nghiệp yếu vốn) giữa các doanh nghiệp logistics của Việt Nam hầu như không có, đa phần họ hoạt động còn rất độc lập.

Một “yếu kém” nữa của doanh nghiệp logistics Việt Nam là nguồn nhân lực. Hiện nay chỉ duy nhất có trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh là có ngành Logistics và Vận tải đa phương thức (mới chiêu sinh được năm thứ 2) nên số chuyên gia được đào tạo chuyên sâu vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện có khoảng 6.000 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực logistics nhưng phần lớn đều được "lấy" từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có.

Other

  • MSC
  • MSL
  • SAF
  • APL
  • CMA
  • EMC
  • HMM
  • HPL
  • PIL
  • TSL
  • DHL
  • ONE